Gặp mặt, giao lưu kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024)
Lượt xem:
Thực hiện Công văn số 681/GDĐT ngày 04/11/2024 của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Tơ về việc hướng tổ chức các hoạt động chào mừng kỷ niệm 42 năm Ngày nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2024); nhằm động viên đội ngũ cán bộ, nhà giáo, người lao động và học sinh năng động, sáng tạo, hăng hái thi đua “dạy tốt”, “học tốt”, nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý vững mạnh, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ năm học 2024 – 2025, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam; tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích, giao lưu văn nghệ, thi đấu các môn thể thao, trò chơi nhằm thức đẩy phong trào hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển hơn; trao đổi, học tập kinh nghiệm lẫn nhau. Ngày 16/11/2024, Trường THCS thị trấn Ba Tơ, Trường TH&THCS Ba Chùa, Trường Mầm non 30/10 phối hợp xây dựng Kế hoạch tổ chức Gặp mặt – Giao lưu Kỷ niệm 42 năm Ngày nhà niáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024).
Đến dự buổi gặp mặt có các đồng chí đại biểu lãnh đạo đến dự, chia vui, động viên các trường học: Đồng chí Đinh Ngọc Vỹ, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ba Tơ, đồng chí Phạm Giang Nam, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, đồng chí Nguyễn Hồng Quân, Huyện ủy viên, Bí thư Đảng ủy thị trấn Ba Tơ, đồng chí Thành Minh Thuận, Huyện ủy viên, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện, đồng chí Nguyễn Thị Mỹ Lệ, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Ba Tơ; đồng chí Đinh Thị Ái Ly, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện (phụ trách), đồng chí Kiều Thị Thủy, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện, đồng chí Trần Thị Xuân Nương, Công chức Phòng GD&ĐT huyện, các đồng chí đại diện cho BCH Quân sự huyện, Ban Đại diện CMHS của 03 đơn vị, thầy Cao Văn Chính, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Ba Tơ và 57 CBGV, VCNLĐ của 03 trường Trường THCS thị trấn Ba Tơ, TH&THCS Ba Chùa, Mầm non 30/10.
Các đơn vị trường học giao lưu thể dục thể thao, tổ chức gặp mặt tọa đàm ôn lại kỷ niệm kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, giao lưu ẩm thực trong không khí đoàn kết, nghĩa tình.
Dân tộc ta vốn có truyền thống tôn đạo nghĩa, trọng tri thức, hiếu học và giàu chí tiến thủ. Theo đó, người thầy có vị trí tôn quý. Trọng đạo và tôn sư đã là nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc. 42 năm trở lại đây, khi ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 chính thức được xác định thì tinh thần ấy càng được phát huy. Nó hun đúc thành một nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hóa giáo dục và đời sống văn hoá của người Việt Nam.
Nhà giáo là một nghề cao quý. Nhưng bởi vì lẽ gì mà nhà giáo lại được xem là một nghề cao quý? Trong những thứ quý giá, con người là thứ quý nhất, là hoa của trời đất, là tinh anh của vạn vật, vì vậy, nghề chăm lo phát triển con người là công việc khó nhất và là công việc cao quý nhất.
Trong việc dạy học, dạy đạo lý, dạy làm người, rèn đạo đức nhân cách là việc quan trọng nhất. Dạy học là hoạt động tải đạo. Người đời vì trọng đạo mà tôn sư. Muốn dạy học trò nên người, nhà giáo cần phải tu dưỡng đạo đức, giữ gìn nhân cách, cân nhắc ứng xử, thái độ phải đủ làm gương mẫu cho học trò. Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương sáng cho học sinh noi theo. Vì vậy mà người thầy tượng trưng cho sự chuẩn mực. Muốn dạy được người, nhà giáo phải hết mực yêu thương con người, quý trọng con người, nâng niu con người, nghề giáo tiêu biểu cho sự yêu thương, là một nghề giàu tính nhân văn. Muốn dạy người, nhà giáo phải thấu hiểu con người, phải cảm thông chia sẻ sâu sắc với học trò, phải có lòng vị tha và bao dung hết mực. Đó là nghề cho đi mà không màng nhận lại, như độ nhân qua những chuyến đò sang sông, vì thế mà nghề nhà giáo là nghề đẹp đẽ. Muốn dạy được học trò nhà giáo phải tích lũy kiến thức, phát triển tư duy, luôn nâng cao hiểu biết, tự học và sáng tạo không ngừng. Muốn dạy một phải biết nhiều, phải đủ kiến thức và tầm nhìn để làm bậc thầy dẫn dắt cho học trò. Họ là bộ phận quan trọng của tầng lớp trí thức. Những giá trị của sự chuẩn mực, tính nhân văn, tình yêu thương, tri thức và sáng tạo đã tạo nên sự cao quý của nghề giáo.
Bước vào năm học 2024 -2025, Trường Mầm non 30/10 có 11 CBGVNV, 04 lớp, với 93 cháu; Trường TH&THCS Ba Chùa có 18 CBGVNV, 9 lớp với 225 HS, Trường THCS thị trấn Ba Tơ có 28 CBGVNV, 15 lớp với 643 học sinh. Cùng với các đơn vị trường học khác đóng trên địa bàn thị trấn (Th thị trấn, MN 11/3 Ba Tơ, PTDTNT THCS Ba Tơ), các nhà trường luôn nổ lực phấn đấu thi đua dạy tốt – học tốt góp phần hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của địa phương thị trấn Ba Tơ, xây dựng quê hương thị trấn Ba Tơ ngày càng giàu đẹp.
Không có sự vinh quang nào là tự nhiên tới. Không có vinh quang nào đạt được một cách dễ dàng. Đi cùng với sự cao quý và vinh quang của nghề nghiệp là sự khó nhọc, là trách nhiệm nặng nề, là thách thức và áp lực. Nhưng áp lực cũng chính là động lực để đổi mới và phát triển. Vượt qua khó khăn, hoàn thành được sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết 29 của Đảng, ngành giáo dục và nhà giáo chúng ta sẽ càng trưởng thành và sự vinh quang càng lớn lao hơn. Mong toàn thể nhà giáo chúng ta, cùng chung tay chung sức, vượt qua khó khăn trở ngại. Sự thay đổi thái độ của xã hội đối với nhà giáo theo hướng tốt đẹp hơn hoàn toàn phụ thuộc vào nhà giáo chúng ta.
NVThan